- 16/03/2020
ĐIỀU CẦN NHỚ KHI DÙNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN
ĐIỀU CẦN NHỚ KHI DÙNG THUỐC GIÃN PHẾ QUẢN.
suckhoedoisong.vn – Thuốc giãn phế quản giúp người bệnh có thể cắt cơn khó thở ngay sau khi sử dụng nên được coi là một trong những nhóm thuốc chính điều trị bệnh hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng mà nó mang lại, thuốc có thể gây ra một vài tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể người bệnh nên khi dùng cần lưu ý…
Thuốc được dùng trong trường hợp nào
Thuốc làm giãn phế quản là loại thuốc được kê theo toa, nghĩa là phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng. Tác dụng chính của thuốc là làm giãn cơ trơn phế quản, do đó làm tăng khẩu kính đường thở. Luồng không khí lưu thông được dễ dàng hơn, không khí vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn, nên người bệnh hết cảm giác khó thở.
Các thuốc giãn phế quản nhìn chung được chỉ định cho những trường hợp có co thắt phế quản gây khó thở cho người bệnh. Các bệnh lý thường được chỉ định thuốc giãn phế quản bao gồm: hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản trong đợt cấp (thường có co thắt cơ trơn phế quản). Ngoài ra, thuốc giãn phế quản cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp đặc biệt như nhịp chậm xoang.
Mỗi loại thuốc làm giãn phế quản sẽ hoạt động theo cách khác nhau, bao gồm:
Nhóm thuốc chủ vận beta 2: Giúp các cơ trơn xung quanh đường thở được thư giãn, từ đó cải thiện luồng không khí ra vào phổi để hết khó thở.
Nhóm thuốc kháng cholinergic: làm ức chế hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine để khiến đường thở của bệnh nhận được thư giãn.
Nhóm xanthine: Chủ yếu dạng thuốc uống (theophylline) và dạng tiêm truyền tĩnh mạch (diaphyllin). Tác dụng giãn phế quản của theophylline không mạnh bằng các thuốc chủ vận beta 2, trong khi nguy cơ xuất hiện các tác dụng không mong muốn khá cao, vì vậy theophylin không phải là lựa chọn đầu tiên trong cắt cơn hen.
Cần lưu ý các tác dụng phụ
Cũng như tất các loại thuốc khác, thuốc giãn phế quản cũng có một số tác dụng phụ. Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ phụ thuộc vào liều dùng. Liều dùng càng cao thì càng có khả năng xảy ra những tác dụng không mong muốn. Song, ở nhiều trường hợp, tác dụng phụ cũng có thể xảy ra ngay cả với liều lượng thấp. Những tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
Ngộ độc: Là tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra với các thuốc theophylline vì thuốc này có liều điều trị và liều gây ngộ độc khá gần nhau. Liều thương dùng từ 10-20mg/l mới có hiệu quả, nhưng cũng chính từ nồng độ 20mg/l hoặc vượt hơn một chút đã có thể gây độc. Các biểu hiện lâm sàng của tình trạng ngộ độc thuốc là nhịp tim nhanh, lo lắng, hồi hộp trống ngực, buồn nôn, nôn, vật vã…
Dị ứng: Một số thuốc giãn phế quản dạng hít cũng có thể gây dị ứng, trong đó biểu hiện dị ứng cần lưu ý là khó thở tăng khi dùng các thuốc dạng phun – hít để chữa khó thở, khi đó, cần dừng ngay và chuyển sang dùng thuốc khác.
Ngoài ra, tác dụng phụ cũng có thể khác nhau tùy thuộc vào các nhóm thuốc, như: Tăng nhịp tim, run chân tay, khô miệng, buồn nôn, đau đầu, hạ kali máu. Trong những trường hợp hiếm hoi, thuốc làm giãn phế quản còn có thể gây tác dụng ngược là làm đường thở của bệnh nhân co thắt nặng hơn.
Lời khuyên của thầy thuốc
Những lợi ích mà thuốc giãn phế quản mang lại là không thể phủ định, tuy nhiên thuốc cần được dùng đúng và không lạm dụng để tránh những hệ lụy đáng tiếc. Cần ghi nhớ thuốc giãn phế quản giúp làm giãn cơ trơn để điều trị các trường hợp phế quản bị co thắt, gây khó thở. Còn các trường hợp khó thở khác thuốc sẽ không có tác dụng thậm chí gây nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc giãn phế quản về uống.
Khi được chỉ định dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ điều trị, sử dụng đúng liều lượng và tái khám đúng hẹn, thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những người có bệnh lý tim mạch, loạn nhịp tim, đái tháo đường, cường tuyến giáp, cao huyết áp… cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng thuốc.
Cần nắm rõ cách sử dụng của từng loại thuốc. Đối với các thuốc dạng phun hít, cần dùng đúng kỹ thuật. Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách dùng bình phun hít thuốc, người bệnh cần quan sát để thực hành cho đúng thao tác hoặc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Việc dùng không đúng kỹ thuật cũng sẽ khiến bệnh không được kiểm soát tốt.
Trong khi sử dụng thuốc giãn phế quản, nếu xảy ra tác dụng phụ không mong muốn thì cần phải báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời./.
——-
Nguồn: Suckhoedoisong.vn – SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG – CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA BỘ Y TẾ – DS. Nguyễn Phương Thảo.