Cần nhân rộng mô hình điểm Công tác xã hội

Nghề công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế. Để hiểu rõ hơn về nghề này cũng như mối quan hệ đối với bệnh nhân, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc trao đổi trực tiếp với PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường, Trường CTXH, Giám đốc Carolia tại Việt Nam và Đông Nam Á về những câu chuyện xoay quanh vấn đề này. 

 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường.

PV: Thưa PGS, nhiệm vụ, mục tiêu của nghề CTXH trong bệnh viện là gì? Và PGS đánh giá như thế nào về vai trò của ngành CTXH trong các bệnh viện hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Hiện nay, mục tiêu của nghề CTXH trong các bệnh viện là nhằm hỗ trợ các bệnh nhân khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên CTXH đóng vai trò là cầu nối để hỗ trợ, giải quyết các mâu thuẫn xung đột giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với người bệnh và giữa người bệnh với nhân viên y tế.

Và cụ thể, nhiệm vụ của nhân viên nghề CTXH trong các bệnh viện là: Hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh; vận động tiếp nhận tài trợ, hoạt động từ thiện; truyền thông và quan hệ công chúng; đào tạo và bồi dưỡng về nghề CTXH; tổ chức mạng lưới cộng tác viên CTXH; Hỗ trợ vấn đề tâm lý cho nhân viên y tế.

Tại Việt Nam, nghề CTXH trong bệnh viện chính thức được công nhận và phát triển từ năm 2010. Đứng về mặt chuyên môn để so sánh với các nước phát triển thì nghề CTXH trong bệnh viện của Việt Nam chưa hoàn thiện, nhưng so về mặt quyết tâm và nhận thức được tầm quan trọng của nghề CTXH thì nước ta lại đang đi trước các nước khác rất nhiều. Minh chứng là Việt Nam đang hoàn thiện Luật CTXH ngành Y tế để đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

Nhờ có chủ trương, quyết tâm nên đến nay rất nhiều bệnh viện đã có phòng CTXH. Mặc dù, những hoạt động của phòng CTXH trong ngành Y tế vẫn còn đang khu trú và hoạt động mang tính chất từ thiện, nhưng chưa làm nhiều những vấn đề liên quan đến lâm sàng và chuyên môn sâu của nghề này.

PV: Một trong những nhiệm vụ của nhân viên CTXH là hỗ trợ vấn đề tâm lý cho nhân viên y tế, nhất là những người bị hành hung, PGS có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Quả thực, nhiều năm công tác ở nước ngoài tôi chưa thấy nhân viên ngành CTXH ở đâu phải đảm nhận nhiệm vụ này như ở Việt Nam. Nhưng thực tế, tại Việt Nam trong thời gian gần đây đã liên tiếp nhiều bệnh viện xảy ra tình trạng nhân viên y tế bị bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân hành hung. Những vụ bạo hành khiến nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế hoang mang, thậm chí là nhiều người phải nghỉ phép dài ngày để ổn định tâm lý. Chính vì vậy, nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho nhân viên y tế của phòng CTXH là rất thiết thực và ý nghĩa.

Thực tế, qua một số vụ hành hung nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh họ chỉ đánh bác sĩ khi họ bức xúc. Để giải quyết triệt để vấn đề này. thì nhân viên CTXH cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay nếu như nhìn vào một loạt hoạt động của nhân viên CTXH trong bệnh viện thì họ có hoạt động trước, trong và sau khi bệnh nhân điều trị.

Trong hoạt động trước khi bệnh nhân điều trị, bệnh nhân vào viện có hệ thống nhân viên CTXH làm nhiệm vụ đón, tiếp, hướng dẫn, giới thiệu…sẽ giúp giảm thiểu và giải quyết được rất nhiều thắc mắc, bức xúc của người bệnh và người nhà người bệnh nên hạn chế vấn đề bạo hành.

Còn trong trường hợp không may tại bệnh viện xảy ra vấn đề bạo hành nhân viên y tế, thì nhân viên phòng CTXH có thể đóng vai trò là người hòa giải, trị liệu cho những sang chấn tinh thần cho chính nhân viên y tế. Đồng thời, làm hòa giải cho chính bác sĩ và bệnh nhân. Đây chính là một trong những vai trò mới, nhưng rất quan trọng đối với nhân viên phòng CTXH trong các bệnh viện.


PV: Theo PGS, làm thế nào để ngành CTXH phát triển đồng đều trong tất cả các bệnh viện tại Việt Nam?
Cụ thể, người ta vào viện vì có bệnh. Nhưng bệnh tật chỉ là những triệu chứng sinh lý cơ học, nhưng cái lớn hơn là những nỗi khổ và lo lắng, sợ hãi liên quan đến bệnh như: Họ còn sống được bao lâu; tiền đâu chữa bệnh; khi họ chết con cái, gia đình ai chăm sóc?… Ví dụ như bệnh ung thư, cái chính của bệnh nhân là sự sợ hãi, sợ chết.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Phải thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay để phát triển ngành CTXH còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển và trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa phát triển đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động, hệ thống cơ sở dịch vụ về CTXH chưa phát triển.

Trong khi đó, nhận thức, sự quan tâm của một số lãnh đạo bệnh viện về nghề CTXH còn chưa tương xứng. Đặc biệt, tại các bệnh viện còn thiếu nhân lực được đào tạo bài bản về CTXH; thiếu tài liệu hướng dẫn chuyên môn về dịch vụ này.

Bởi vậy, hiện nay cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Đặc biệt, theo tôi hiện nay ngành CTXH trong các bệnh viện đang phát triển theo hướng tự phát. Chính vì vậy chúng ta có thể chọn một bệnh viện có mô hình phòng CTXH hoạt động hiệu quả làm thí điểm để nhân rộng cho các bệnh viện khác học theo.

Trong đó, bệnh viện thí điểm phải có mô hình chuẩn về mặt lý thuyết, về mặt cơ cấu, thực hành, đào tạo, nhân lực chuẩn… để nhân rộng cho các bệnh viện khác là cách nhanh nhất. Còn cứ để các bệnh viện phát triển nghề CTXH manh mún và tự đi học, sai đâu sửa đó thì rất lâu.

Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường!

Theo TS.BS Vũ Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Bộ đã và đang triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nghề CTXH. Mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và cam kết thực hiện của các cấp lãnh đạo (70 – 80%), các cơ sở y tế (50 – 70%) trong toàn ngành y tế về vị trí, vai trò và việc hình thành phát triển nghề CTXH trong chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt là xây dựng thí điểm 4 bệnh viện Trung ương, 6 bệnh viện tuyến tỉnh và nhân rộng mô hình tổ chức của hoạt động CTXH trong 1 số bệnh viện tuyến Trung ương (80%), tuyến tỉnh (60%), huyện (30%) vào năm 2020…Bên cạnh đó, tiến hành đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng CTXH cho đội ngũ công chức, viên chức và nhân viên y tế, dân số ở các cấp. Làm sao để nghề CTXH có thể trở thành nơi nối nhịp sống, chở niềm tin cho cả người bệnh và y bác sĩ.

NGUYỄN THANH PHƯƠNG(P.CTXH)