VAI TRÒ CỦA PYRIDOXIN TRONG DỰ PHÒNG VÀ ĐIỀU TRỊ ĐỘC TÍNH CỦA ISONIAZID Ở BỆNH LAO

SƠ LƯỢC VỀ BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN DO DÙNG ISONIAZID (INH)

Bệnh thần kinh ngoại biên là một tác dụng ngoại ý hiếm gặp liên quan đến isoniazid (INH), xảy ra sau một khoảng thời gian sử dụng kéo dài.

Cơ chế do INH ức chế sự hoạt hóa pyridoxin thành các coenzym quan trọng cho chuyển hóa protein và sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh nhất định [1].

Nguy cơ xuất hiện bệnh thần kinh ngoại biên tăng khi:

  • Dùng INH hàng ngày ở liều vừa phải (7,8 – 9,6 mg/kg) hoặc liều cao (12,5 – 15,2 mg/kg). Tỷ lệ mắc bệnh thần kinh ngoại biên tương quan chặt chẽ với liều INH được sử dụng [2].
  • Thiếu pyridoxin mức độ nhẹ trước khi điều trị bằng INH (bao gồm phụ nữ có thai, ung thư, suy dinh dưỡng, nghiện rượu hoặc người cao tuổi) [3].

Bệnh thần kinh ngoại biên được đặc trưng bởi các triệu chứng thường xảy ra ở bàn tay hoặc bàn chân như:

  • Tê bì
  • Đau
  • Ngứa ran, cảm giác kiến bò
  • Yếu cơ
  • Bỏng rát hoặc mất cảm giác

VAI TRÒ CỦA PYRIDOXIN ĐỐI VỚI BỆNH THẦN KINH NGOẠI BIÊN

Pyridoxin rất quan trọng đối với chức năng hệ thần kinh trung ương vì nó được sử dụng trong việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, pyridoxin được dùng để dự phòng và điều trị bệnh thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, pyridoxin là một vitamin rất đặc biệt vì thiếu hay thừa đều gây ra bệnh đa dây thần kinh ngoại biên.

Dùng pyridoxin bổ sung đồng thời với INH có thể ngăn ngừa thiếu hụt pyridoxin và do đó ngăn ngừa bệnh lý thần kinh do INH gây ra [4].

Hiện có 3 dạng pyridoxin có sẵn trong các sản phẩm [8]:

– Pyridoxin hydroclorid

– Pyridoxal 5-phosphat

– Pyridoxal 5-phosphat monohydrat

Liều được khuyến cáo của pyridoxin ở những người bệnh đang được chỉ định INH được trình bày trong bảng sau [5], [6], [7], [8]:

THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG PYRIDOXIN

Sau thời gian dài dùng pyridoxin với liều từ 200 mg trở lên mỗi ngày, đã thấy xuất hiện độc tính thần kinh (như bệnh thần kinh ngoại biên nặng và bệnh thần kinh cảm giác nặng) [7].

Pyridoxin được dùng với liều từ 200 mg trở lên mỗi ngày, kéo dài trên 30 ngày có thể gây hội chứng lệ thuộc pyridoxin và hội chứng cai thuốc [7].

CÁC BÁO CÁO BIẾN CỐ BẤT LỢI

Các báo cáo về biến cố bất lợi gửi lên Therapeutic Goods Administration (TGA) cho thấy bệnh thần kinh ngoại biên có thể do người bệnh thiếu nhận thức về việc sử dụng pyridoxin. Việc phát hiện muộn hoặc tiếp tục phơi nhiễm với thuốc có thể dẫn đến sự tiến triển của bệnh.

Đánh giá của TGA cho thấy bệnh thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở liều dưới 50 mg và khi người bệnh đang sử dụng nhiều sản phẩm có chứa vitamin B6. Nguy cơ xảy ra phản ứng có hại khác nhau tùy từng người bệnh, không có liều tối thiểu, thời gian sử dụng hoặc các yếu tố nguy cơ cụ thể của người bệnh được xác định.

Do nguy cơ này, các loại thuốc chứa liều pyridoxin hàng ngày trên 10 mg hoặc tương đương đã được yêu cầu phải có các thông tin sau: “CẢNH BÁO – Ngừng sử dụng loại thuốc này nếu bạn thấy các triệu chứng ngứa, bỏng rát hoặc tê bì và đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt” [9].

KẾT LUẬN

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể xuất hiện ở người bệnh lao được điều trị với INH trong khoảng thời gian dài. Bổ sung pyridoxin với liều tối đa 50 mg/ngày hoặc 50 mg/tuần góp phần ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên do INH.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] https://oklahoma.gov/content/dam/ok/en/doc/documents/policy/section-14/msrm/msrm_140301.04i.pdf Truy cập ngày 12/12/2022.

[2] The Prevention and Treatment of Isoniazid Toxicity in the Therapy of Pulmonary Tuberculosis, Bull World Health Organ, 1963; 29:457-481, PMID:14099673, NIH National Library of Medicine.

[3] WHO TB Knowledge Sharing Platform, Operational handbooks, Module 1: Prevention, Module 1: TB preventive treatment, Chapter 5. TB preventive treatment, Chapter 5.1 Recommended dosage of TPT medication, WHO. Truy cập ngày 12/12/2022.

[4] Snider DE. Use of pyridoxine to prevent neuropathy in patients receiving isoniaizd for the treatment of latent tuberculosis infection, Pyridoxine supplementation during isoniazid therapy, Tubercle (1980). 61:191-196.

[5] Pyridoxine: Drug Information, UpToDate. Truy cập ngày 12/12/2022.

[6] Pyridoxine Drug Information, Micromedex. Truy cập ngày 12/12/2022.

[7] Pyridoxin Hydroclorid, Dược thư quốc gia Việt Nam (2015).

[8] Hernon CH, Lai JT. Antituberculous medications. In: Nelson LS, Howland MA, Lewin NA, Smith SW, Goldfrank, Hoffman RS, eds. Goldfrank’s Toxicologic Emergencies. 11th ed. McGraw-Hill; 2019.

[9]http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/2281/TGA-Benh-than-kinh-ngoai-bien-khi-su-dung-vitamin-B6.htm Truy cập ngày 12/12/2022.