- 12/01/2023
TOBRAMYCIN: THÔNG TIN THUỐC
Tobramycin là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid, có tác dụng diệt khuẩn phụ thuộc nồng độ và có hiệu lực hậu kháng sinh. Tobramycin ức chế quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn bằng cách gắn kết với tiểu đơn vị 30S của ribosom.
Phổ tác dụng bao gồm các vi khuẩn Gram (-) hiếu khí (Escherichia coli, Klebsiella pneumonia, Pseudomonas aeruginosa…) và một số vi khuẩn Gram (+) (Staphylococcus aureus nhạy methicillin, Staphylococcus epidermidis…) [1].
Chỉ định và liều dùng:
Liều tobramycin có thể được tính toán và hiệu chỉnh dựa trên cân nặng và chức năng thận của người bệnh. Nên theo dõi nồng độ thuốc trong máu (TDM) để đảm bảo hiệu quả và tránh độc tính.
Hai chế độ liều của tobramycin là liều truyền thống và liều cao – khoảng cách liều kéo dài được trình bày trong bảng 1 [2].
Chế độ liều cao – khoảng cách liều kéo dài tận dụng tốt đặc tính dược lực của aminoglycosid giúp cho việc sử dụng thuận tiện và theo dõi nồng độ thuốc trong máu dễ dàng hơn [3]. Bên cạnh đó, độc tính trên thính giác và trên thận của tobramycin cũng đã được chứng minh không phải do nồng độ đỉnh cao trong huyết thanh gây ra, độc tính có lẽ liên quan đến diện tích dưới đường cong chứ không phải đỉnh của đường cong. Vì vậy, dùng liều 1 lần/ngày tiêm tĩnh mạch có thể tốt hơn là dùng liều chia nhỏ [1].
Các hướng dẫn điều trị của IDSA cũng đề nghị dùng liều cao – khoảng cách liều kéo dài trong điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn Gram (-) kháng thuốc, viêm phổi bệnh viện hay viêm phổi thở máy [4, 5].
Liều cụ thể cho một số chỉ định [2]:
- Nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng (5 – 7 mg/kg mỗi 24 giờ).
- Đợt cấp xơ nang ở phổi (10 mg/kg mỗi 24 giờ, thời gian điều trị 10 – 14 ngày).
- Viêm màng não do Pseudomonas aeruginosa (5 mg/kg/ngày chia 3 lần mỗi 8 giờ).
- Viêm phổi bệnh viện, viêm phổi thở máy (5 – 7 mg/kg mỗi 24 giờ).
- Nhiễm trùng đường tiểu có biến chứng (5 mg/kg mỗi 24 giờ).
Lưu ý:
- Các aminoglyosid có hoạt tính trên Pseudomonas aeruginosa nhưng không nên dùng đơn trị vì hiệu quả lâm sàng không đạt đủ ở hầu hết các vị trí nhiễm trùng.
- Aminoglycosid không nên được dùng đơn trị trong viêm phổi do khả năng thâm nhập kém vào môi trường acid cũng như đơn trị trong nhiễm trùng huyết do tỷ lệ tử vong cao.
- Aminoglycosid nên được phối hợp với các kháng sinh khác để điều trị theo kinh nghiệm trong khi chờ kết quả kháng sinh đồ hoặc điều trị một số nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Aminoglycosid có thể dùng đơn trị trong nhiễm trùng tiểu dưới (viêm bàng quang) [6].
Cách dùng: đối với đường tĩnh mạch, thời gian truyền nên từ 20 – 60 phút để tránh chẹn thần kinh – cơ.
Chống chỉ định: quá mẫn với tobramycin, các aminoglycosid khác hoặc các thành phần của thuốc.
Phản ứng có hại: phụ thuộc liều, quan trọng nhất là độc tính trên thận và trên thính giác. Đã có một số nghiên cứu cho thấy không có sự khác nhau có ý nghĩa về độc tính trên thận và thính giác của tobramycin và amikacin [7, 8].
Cảnh báo quan trọng:
- Độc tính trên thận: yếu tố nguy cơ bao gồm tích lũy thuốc (tăng nồng độ đáy), nồng độ đỉnh > 12 mg/mL, người cao tuổi, giảm thể tích, thuốc dùng kèm có độc tính trên thận (xem phần tương tác thuốc)…
- Độc tính trên tai: gây độc tính trên tai và tiền đình không hồi phục được, độc tính có thể xảy ra sau khi ngừng thuốc. Các yếu tố nguy cơ bao gồm nồng độ thuốc trong huyết thanh cao, điều trị kéo dài (trên 7 ngày), suy thận, thuốc dùng kèm có độc tính trên tai (xem phần tương tác thuốc)…
- Ức chế thần kinh cơ: yếu tố nguy cơ bao gồm sử dụng đồng thời với các chất chẹn thần kinh – cơ (tubocurarin, succinylcholin…), truyền quá nhanh (<20 phút)…
- Độc tính đối với phôi thai.
Tương tác thuốc:
Độc tính tăng khi dùng chung với thuốc có độc tính trên thận, tai hay ức chế thần kinh cơ như các aminoglycoside khác, bacitracin, cisplatin, manitol, polymyxin B, amphotericin B, vancomycin…
Piperacillin có thể làm giảm thời gian bán thải của tobramycin trên những người bệnh chạy thận nhân tạo [9] nhưng không làm thay đổi dược động học của tobramycin trên những người bệnh có chức năng thận bình thường [10].
Tương kỵ: Trộn đồng thời kháng sinh beta-lactam với tobramycin có thể gây mất hoạt tính lẫn nhau.
Bảo quản: đối với dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, giữ thuốc trong bao bì kín ở nhiệt độ dưới 30 ℃.
Hạn dùng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Tài liệu tham khảo:
[1] Dược thư quốc gia Việt Nam (2018), Tobramycin
[2] UpToDate, Tobramycin (systemic): Drug information, Truy cập ngày 04/01/2023, https://www.uptodate.com/contents/tobramycin-systemic-drug-information?source=history_widget#F45031174
[3] UpToDate, Dosing and administration of paraental aminoglycosides. Truy cập ngày 08/01/2023 https://www.uptodate.com/contents/dosing-and-administration-of-parenteral-aminoglycosides#H639387843
[4] Infectious Diseases Society of America. Management of Adults With Hospital-acquired and Ventilator-associated Pneumonia: 2016 Clinical Practice Guidelines by the Infectious Diseases Society of America and the American Thoracic Society. Clinical Infectious Diseases, Volume 63, Issue 5 (2016), pp: e61–e111
[5] Infectious Diseases Society of America Antimicrobial-Resistant Treatment Guidance: Gram-Negative Bacterial Infections. Infectious Diseases Society of America 2022; Version 1.1. Truy cập ngày 08/01/2023. https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/
[6] UpToDate, Principles of antimicrobial therapy of Pseudomonas aeruginosa infections https://www.uptodate.com/contents/principles-of-antimicrobial-therapy-of-pseudomonas-aeruginosa-infections#
[7] Gatell, J. M. “Tobramycin and amikacin nephrotoxicity: value of serum creatinine versus urinary concentrations of beta 2 microglobulin.” The Pediatric Infectious Disease Journal 5.3 (1986): 390.
[8] Gatell, J. M., et al. “Comparison of the nephrotoxicity and auditory toxicity of tobramycin and amikacin.” Antimicrobial Agents and Chemotherapy 23.6 (1983): 897-901.
[9] Halstenson, C. E., et al. “Effect of concomitant administration of piperacillin on the dispositions of netilmicin and tobramycin in patients with end-stage renal disease.” Antimicrobial agents and chemotherapy 34.1 (1990): 128-133.
[10] Lau, A et al. “Effect of piperacillin on tobramycin pharmacokinetics in patients with normal renal function.” Antimicrobial agents and chemotherapy 24.4 (1983): 533-537.