Họp mặt kỷ niệm 72 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Hơn 70 năm qua, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thương binh, liệt sĩ luôn được nhân dân cả nước thực hiện với các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa vào dịp 27 tháng 7 hàng năm.

      Được sự chỉ đạo của Đảng Ủy và Ban Giám đốc, Hội Cựu chiến binh phối hợp cùng Công Đoàn, Đoàn thanh niên Bệnh viện tổ chức Họp mặt kỷ niệm 72 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam (27/07/1947 – 27/07/2019) vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 24 tháng 7 năm 2019 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

      Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch luôn xem trọng và gìn giữ các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Chính vì thế ngày 24/7/2018 vừa qua, được sự chỉ đạo của Đảng Ủy và Ban Giám đốc, Hội Cựu chiến binh phối hợp cùng Công Đoàn, Đoàn thanh niên Bệnh viện tổ chức Lễ Họp mặt kỷ niệm, chiếu phim tư liệu 72 năm ngày Thương Binh Liệt Sĩ Việt Nam (27/07/1947 – 27/07/2019) vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 24 tháng 7 năm 2019. Chương trình có sự tham dự của Bs Khuất Thị Anh Đào (Đảng Ủy bệnh viện); BS Trương Văn Vĩnh (Chủ tịch Hội cựu chiến binh bệnh viện) và 30 bác các anh/ chị là hội viên của Hội Cựu chiến binh và là Đoàn viên, thanh niên ưu tú của bệnh viện.

      Chủ Tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng đã dành rất nhiều tình cảm yêu thương sâu sắc đối với thương binh, liệt sĩ là những người đa hi sinh xương máu để bảo vệ cho hòa bình tổ quốc, sự hi sinh đó không bút mực nào có thể tả cho hết.

Các hình ảnh về Bác Hồ khi đặt hoa tưởng niệm các liệt sĩ (ảnh tư liệu)

 

      Ngày 27 tháng 7 năm 1947, Ngày thương binh toàn quốc, mở đầu bằng cuộc mít tinh quan trọng đã được diễn ra tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (phía Việt Nam cho biết có khoảng 2.000 người tham gia). Tại đây Ban tổ chức đã cử đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam trịnh trọng đọc thư của Hồ Chí Minh gửi cho Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc. Hồ Chí Minh cũng đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

      Trong thư, Hồ Chí Minh có viết:

“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh….Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu….Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.”

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ (Ảnh tư liệu)

 

      Tiếp đó, nhân ngày 27 tháng 7 năm 1948, Hồ Chí Minh cũng có lời kêu gọi:

“Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hy sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ.”

      Trong chương trình, ban tổ chức đã chiếu lại các thước phim lịch sử về truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc nhằm mục đích giáo dục cho thế hệ trẻ.

      Bác sĩ CKII Trương Văn Vĩnh (chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh bệnh viện) có đôi lời chia sẻ với các Đoàn viên thanh niên trẻ của bệnh viện. Năm xưa các bậc cha, anh đã bỏ lại tuổi thanh xuân, bỏ lại một phần cơ thể hoặc thậm chí đã nằm xuống mãi mãi tại một nơi nào đó trên mảnh đất quê hương thì thế hệ con cháu chúng ta hôm nay cần phải tiếp tục phát triển thành quả đó. Đó là xương máu của thế hệ trước để lại cho chúng ta tự do và hòa bình. Năm xưa cha, anh là nhửng chiến sĩ trên chiến trường, bảo vệ tổ quốc, gìn giữ hòa bình, độc lập dân tộc thì thế hệ trẻ của bệnh viện cũng là những chiến sĩ trên mặt trận gìn giữ sức khỏe của nhân dân. Cuộc chiến nào cũng cam go, cũng khó khăn nhưng điều quan trọng là giữ vững tinh thần, niềm tin vào một chiến thắng vẻ vang.

      Hôm nay, Em, con, cháu của anh, chị, cha, mẹ, ông, Bà Ta đã hy sinh để lại cho chúng ta toàn cõi Việt Nam hoàn toàn thống nhất, chủ quyền toàn vẹn đầy đủ. Vậy nên hành động chúng ta thế hệ này và thế hệ mai sau cùng chung sức bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng tổ quốc ngày càng Hùng mạnh sánh vai năm Châu, bốn bể.Hơn tất cả đó chính là thể hiện sự đền đáp cho thế hệ tiền nhân đi trước, mới không phụ lòng sự hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh cả một phần xương máu cho thế hệ hôm nay những mùa xuân vĩnh cửu trên một đất nước Hòa bình, Độc lập, Tự do và Hạnh phúc.