ESCIN (AESCIN) – CÓ NÊN SỬ DỤNG NHƯ THUỐC KHÁNG VIÊM THƯỜNG QUY TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH LÝ ĐƯỜNG HÔ HẤP?

Escin (tên thường gặp là Aescin) là một hỗn hợp saponin chiết xuất từ cây Aesculus hippocastatum – còn gọi là cây Dẻ ngựa. Cây Dẻ ngựa được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước cho các chỉ định như trĩ, suy tĩnh mạch mãn tính, tắc nghẽn tĩnh mạch[1,2]. Hiện nay, escin được sử dụng trong điều trị lâm sàng với chỉ định chính bao gồm điều trị suy giãn tĩnh mạch, trĩ, chống phù nề sau mổ, chấn thương. Đáng chú ý, escin gần đây cũng được sử dụng với mục đích chống viêm “giống glucocorticoid” dù chưa có nhiều bằng chứng. Bài viết này nhằm mục đích cung cấp thông tin rõ hơn về đặc tính chống viêm và trả lời câu hỏi: có nên sử dụng escin như một chất kháng viêm trên lâm sàng.

Các nghiên cứu về hoạt tính kháng viêm của escin

Dù có rất nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng được thực hiện trên mô hình động vật để tìm hiểu cơ chế kháng viêm của escin, có rất ít nghiên cứu lâm sàng chứng minh điều này. Trong đó, có một nghiên cứu ngẫu nhiên tiến cứu đánh giá hiệu quả và an toàn của escin (120 mg/ngày, chưa rõ dạng bào chế sử dụng) trong điều trị sỏi niệu quản đoạn xa có triệu chứng so sánh với giả dược và đối chứng là prednisolone[3]. Theo đó, kết quả chỉ ra escin cho kết quả không khác biệt và có thể sử dụng thay thế với prednisolone,  đồng thời có ít báo cáo về tác dụng không mong muốn của escin hơn prednisolone. Theo một nghiên cứu khác vào năm 2013, Liu C. và cộng sự công bố về tác dụng của escin (IV liều 20 mg, 1 lần/ngày trong 12 ngày) trên chấn thương phổi cấp tính: kết quả cho thấy escin ức chế đáng kể việc sản xuất các cytokine gây viêm, làm giảm tình trạng phù phổi cấp[4]. Một số tác giả cũng công bố tác dụng cải thiện chức năng hô hấp trong đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và bệnh tim phổi mãn tính thông qua ức chế giải phóng cytokin[5,6]. Tuy nhiên các nghiên cứu trên được tiến hành chủ yếu ở Trung Quốc và khó có thể tiếp cận với các dữ liệu nghiên cứu gốc để có góc nhìn chính xác. Ngoài ra, dạng escin sử dụng trong nghiên cứu của Liu C. ở dạng tiêm truyền; thực tế, escin có sinh khả dụng đường uống thấp, chỉ khoảng 1,5%[7].

Tại Việt Nam, chưa có dữ liệu về escin trong Dược thư Quốc gia[13]. Ngoài ra, escin cũng chưa được chấp thuận và chưa có dữ liệu đánh giá bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Úc (TGA) trong điều trị kháng viêm[8,14]. Riêng tại Châu Âu, escin nằm dưới dạng bào chế từ dược liệu, tuy nhiên không có chỉ định kháng viêm trong các dữ liệu được công bố bởi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA).

Chỉ định và liều của escin dạng viên uống

Chỉ định chính của escin gồm có điều trị viêm sau chấn thương – một dạng viêm tại chỗ cấp tính do chấn thương, ngăn ngừa và điều trị phù nề sau phẫu thuật – chấn thương, chống suy tĩnh mạch mãn tính, rối loạn chức năng tĩnh mạch với nhiều mức liều tương ứng ở các chế phẩm khác nhau được nêu trong Bảng 2.

Các mức liều trên được chỉ định để điều trị các rối loạn chức năng tĩnh mạch, suy giãn tĩnh mạch, điều trị bệnh trĩ, chống phù nề sau chấn thương – phẫu thuật mà chưa có khuyến cáo chính thức về mức liều an toàn và hiệu quả để điều trị  kháng viêm trên lâm sàng.

Kết luận

Tuy escin có tiềm năng kháng viêm, các nghiên cứu về hoạt tính này chủ yếu trên các mô hình động vật và rất ít bằng chứng về hiệu quả kháng viêm trên thực tế lâm sàng. Bên cạnh đó, dữ liệu về tính an toàn, liều hiệu quả kháng viêm của escin vẫn còn giới hạn ở dạng escinate tiêm truyền với 3 nghiên cứu tại Trung Quốc. Với escin dạng uống có sinh khả dụng thấp (1,5%)[7], chưa đủ bằng chứng trong tác dụng kháng viêm, đặc biệt trong các bệnh lý trên đường hô hấp, cần cân nhắc không sử dụng thường quy escin như một thuốc kháng viêm trên lâm sàng. Escin không phù hợp với mô hình bệnh tật tại các bệnh viện chuyên khoa về các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp như bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Đối với các bệnh cảnh cần tác dụng kháng viêm, cân nhắc sử dụng các thuốc kháng viêm có nhiều bằng chứng y khoa rõ ràng hơn escin, chẳng hạn như các glucocorticoid trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp, chất ức chế PDE4, azithromycin trong điều trị bệnh COPD, NSAID trong điều trị viêm liên quan cơ xương khớp,… để mang lại lợi ích rõ, chắc chắn và an toàn cho người bệnh.

TLTK

[1] Gallelli L. Escin: a review of its anti-edematous, anti-inflammatory, and venotonic properties. Drug Des Devel Ther. 2019 Sep 27;13:3425-3437. doi: 10.2147/DDDT.S207720. PMID: 31631970; PMCID: PMC6776292.

[2] Rasheed Khushnuma, Gupta Dakshina , Dubey Anubhav, Singh Yatendra , A REVIEW ON β-ESCIN, Indian Journal of Medical Research and Pharmaceutical Sciences, 2021;8(1),10-16. DOI: https://doi.org/10.29121/ijmrps.v8.i1.2020.2

[3] Al-Azzawi IS. The role of Aescin versus Prednisolone in the management of symptomatic lower ureteral calculi: A comparative study. J Pak Med Assoc. 2021 Dec;71(Suppl 8)(12):S77-S81. PMID: 35130224.

[4] Liu C, Hu P, Li C, Wang X, Xiao XT. Therapeutic value of aescine in traumatic acute lung injury. J Trauma Surg. 2013;15(6):497-499.

[5] Wang Y, Liu Z, Zhang F, Wu X, Guo W, Liu M. Effects of sodium aescinate on cytokine during acute exacerbation in patients with chronic obstructive pulmonary disease. China J Mode Med. 2012;22(28):51-54.

[6] Wang Y, Liu Z, Zhang F, et al. Effects of sodium aescinate combined with tiotropium bromide on pulmonary function and inflammatory mediators in patients with acute exacerbation of COPD. Chinese J Gerontol. 2013;33(19):4742-4743.\

[7] European Medicines Agency, Committee on Herbal Medicinal Products. Assessment Report on Aesculus Hippocastanum L., Semen. European Medicines Agency; London, UK: 2009. Technical Report.

[8] https://www.fda.gov, truy cập ngày 27/01/2023.

[9] Reparil 20 mg tablet – MIMS https://www.mims.com/malaysia/drug/info/reparil%2020%20mg%20tablet?type=full

[10] Hướng dẫn sử dụng Veinofytol.

[11] Hướng dẫn sử dụng Mhaescin 40.

[12] Hướng dẫn sử dụng Zynadex 40.

[13] Bộ Y tế, 2015, Dược thư Quốc gia Việt Nam 2.

[14] https://www.tga.gov.au, truy cập ngày 1/2/2023.