BẢN TIN THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6/2022

BẢN TIN THÔNG TIN THUỐC THÁNG 6/2022

ĐƠN VỊ DƯỢC LÂM SÀNG – BỆNH VIỆN PHẠM NGỌC THẠCH

THẬN TRỌNG VỚI CÁC DẠNG BÀO CHẾ KHÁC NHAU CỦA PACLITAXEL

 

Chế phẩm paclitaxel dạng hạt nano gắn albumin (nab-paclitaxel) khác với chế phẩm paclitaxel thông thường về chỉ định, dược động học, liều khuyến cáo, cách pha và sử dụng. Nab-paclitaxel có thể sử dụng cho bệnh nhân quá mẫn với paclitaxel.

Sự liên kết của paclitaxel với albumin trong các hạt nano làm thay đổi cách thuốc được vận chuyển qua các tế bào.

Hai công thức này không thể thay thế cho nhau. Việc trộn 2 công thức này với nhau có thể dẫn đến phản ứng quá mẫn bên cạnh nguy cơ quá liều hoặc thiếu liều.

Liều khuyến cáo và thời gian truyền của nab-paclitaxel khác biệt đáng kể với paclitaxel thông thường. Ví dụ, với nab-paclitaxel, 2 biệt dược Abraxan và Pazenir khuyến cáo truyền tĩnh mạch trong khoảng 30 phút, trong khi hướng dẫn đối với dạng paclitaxel thông thường là truyền tĩnh mạch trong 3 giờ. Những khác biệt khác bao gồm độ thanh thải và thể tích phân bố.

Tài liệu tham khảo: gov.uk (2022). Paclitaxel formulations (conventional and nab-paclitaxel): caution required due to potential for medication error.

VITAMIN C TRONG ĐIỀU TRỊ NHIỄM TRÙNG HUYẾT: NÊN HAY KHÔNG NÊN?

Với đặc tính kháng viêm và chống oxy hóa, việc bổ sung vitamin C có thể làm giảm tổn thương mô gây ra bởi stress oxy hóa trong nhiễm trùng huyết. Năm 2017, một nghiên cứu hồi cứu đơn trung tâm và sau đã báo cáo sự rút ngắn thời gian dùng vận mạch và giảm tỷ lệ tử vong khi điều trị với phối hợp liều cao của vitamin C, hydrocortison, thiamin cho bệnh nhân nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng [1]. Tuy nhiên, hướng dẫn năm 2021 của Surviving Sepsis Campaign, sử dụng vitamin C cho bệnh nhân trưởng thành bị nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm trùng không được khuyến cáo do thiếu các bằng chứng thuyết phục từ thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCT) [2].

Ngày 15 tháng 06 năm 2022, tạp chí New England Journal of Medicine đăng tải kết quả từ thử nghiệm LOVIT (RCT đối chứng giả dược) cho thấy ở những bệnh nhân nhiễm trùng huyết ở ICU đang dùng vận mạch, nhóm dùng vitamin C (50mg/kg IV q6h, lên đến 96h) có nguy cơ tử vong hoặc rối loạn chức năng cơ quan dai dẳng ở thời điểm 28 ngày cao hơn nhóm dùng giả dược (44,5% so với 38,5%, RR = 1,21; 95% CI 1,04-1,40; P = 0,01). Các bệnh nhân trong thử nghiệm không nhất thiết có suy hô hấp nghiêm trọng [3].

Tuy nhiên, trước đó không lâu, vào tháng 05 năm 2022, tại hội nghị quốc tế của Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ (ATS) các nhà nghiên cứu đã báo cáo kết quả từ một tổng quan hệ thống và phân tích gộp bao gồm 21 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCT), tiến cứu về vai trò của vitamin C trong điều trị nhiễm trùng huyết. Các tác giả nhận thấy rằng bệnh nhân nhiễm trùng huyết được điều trị bằng vitamin C (đơn trị hoặc phối hợp, đường tiêm hoặc uống) giảm có ý nghĩa nguy cơ tử vong (OR= 0,788; 95% CI 0,634-0,979; P = 0,031). Ngoài ra, điều trị với vitamin C cũng giúp làm giảm số ngày phải thở máy, giảm thời gian nằm viện/ICU [4]. Tuy nhiên, mức liều cụ thể của vitamin C không được đề cập.

Như vậy, vai trò của của vitamin C trong điều trị nhiễm trùng huyết vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, cần tiến hành thêm các nghiên cứu quan trọng hơn nữa trả lời câu hỏi này.

Tài liệu tham khảo

  1. Tài liệu tham khảo
    1. Marik PE, Khangoora V, Rivera R, Hooper MH, Catravas J. Hydrocortisone, Vitamin C, and Thiamine for the Treatment of Severe Sepsis and Septic Shock: A Retrospective Before-After Study. Chest. 2017;151(6):1229-1238.
    2. Evans L, Rhodes A, Alhazzani W, et al. Surviving sepsis campaign: international guidelines for management of sepsis and septic shock 2021. Intensive Care Med. 2021;47(11):1181-1247.
    3. Lamontagne F, Masse MH, Menard J, et al. Intravenous Vitamin C in Adults with Sepsis in the Intensive Care Unit [published online ahead of print, 2022 Jun 15]. N Engl J Med. 2022;10.1056/NEJMoa2200644.
    4. Sattar S, Jahangir A, Kassem A, et al. Efficacy of vitamin C in septic patient population: A Systematic Review and Metanalysis: Presented at: the American Thoracic Society (ATS) 2022 International Conference; May 13-18, 2022; San Francisco, CA. Abstract P530.

 

AMIODARON: NHỮNG LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ

Lời khuyên cho các nhân viên y tế:

  • Amiodarone có thể gây ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ảnh hưởng đến phổi, mắt, tim, gan, tuyến giáp, da và hệ thần kinh ngoại biên.
  • Khi dùng đường uống, trong giai đoạn đầu (vài ngày, tuần hoặc năm), các tác dụng không mong muốn có thể chưa xuất hiện và thường phụ thuộc vào liều dùng và thời gian điều trị (điều trị liên tục trên 6 tháng). Các tác dụng phụ này có thể kéo dài vài tháng sau khi ngừng thuốc và có thể hồi phục khi giảm liều, do amiodaron tích lũy nhiều ở trong mô và thải trừ rất chậm.
  • Chụp phim phổi định kỳ là không cần thiết trên những bệnh nhân dùng amiodaron dài ngày; tuy nhiên, cần lưu ý nếu bệnh nhân có triệu chứng hô hấp mới hoặc xấu đi và cân nhắc chụp cắt lớp vi tính (CT) nếu nghi ngờ nhiễm độc phổi. Các triệu chứng của độc tính phổi có thể bao gồm: khó thở (có thể nghiêm trọng và không giải thích được bởi tình trạng tim hiện tại), ho không có đàm, suy giảm sức khỏe nói chung (mệt mỏi, sụt cân và sốt).
  • Kiểm tra chức năng gan và theo dõi chức năng tuyến giáp trước khi điều trị và vài tháng sau khi ngừng thuốc, định kỳ 6 tháng một lần.

Tác dụng phụ trên phổi của amiodaron:

– Viêm phổi kẽ mạn tính là nhiễm độc phổi phổ biến nhất liên quan đến điều trị amiodarone dài hạn. Biểu hiện: ho khan và khó thở (50-75%); đau ngực kiểu màng phổi, sụt cân, sốt (33-50% các trường hợp) và tình trạng khó chịu cũng có thể xảy ra. Khám thực thể thường gặp phổi ran nổ hai bên, nhưng không thấy ngón tay dùi trống.

– Một số nhiễm độc phổi khác: viêm phổi tăng bạch cầu ái toan, viêm phổi tổ chức hóa, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, xuất huyết phế nang và nốt phổi, đã được báo cáo ít thường xuyên hơn.

– Một số trường hợp, có thể tiến triển thành dày hoặc sẹo (xơ hóa) nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa tính mạng.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư quốc gia.
  2. https://www.gov.uk/drug-safetyupdate/amiodarone-cordarone-x-reminder-of-risks-of-treatment-and-need-for-patient-monitoring-and-supervision
  3. S. K. Narayana, D.R.Woods & C. J. Boos (2011). Management of Amiodarone Related Thyroid Problems. Ther Adv Endocrinol Metab. 2011 Jun; 2(3): 115-126.
  4. Elsa-Grace Giadina (2021). Amiodarone: Adverse effects, potential toxicities, and approach to monitoring. In M.S. Link & P. J. Zimetbaum (Eds.), UptoDate.

YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỘC GAN LIÊN QUAN ĐẾN TIGECYCLINE Ở BỆNH NHÂN ICU

Tigecycline là kháng sinh phổ rộng và thường được sử dụng trong ICU, tuy nhiên dữ liệu về độc tính trên gan ở bệnh nhân ICU còn nhiều hạn chế. Biểu hiện độc tính gan bao gồm: tăng nồng độ billirubin toàn phần, thời gian prothrombin kéo dài, tăng nhẹ và tạm thời aminotransferase huyết thanh (tỉ lệ 2-5%), tăng ALP, hiếm khi xảy ra vàng da và ứ mật. Rối loạn chức năng gan có thể xảy ra sau khi ngừng thuốc. Dù vậy, các báo cáo về vàng da và tử vong do rối loạn chức năng gan trong các thử nghiệm lâm sàng lớn về tigecycline lại có vẻ phản ánh các biến chứng nhiễm trùng huyết và suy đa cơ quan hơn là nhiễm độc gan do thuốc.

Phân tích hồi cứu ở 2 trung tâm trên 148 bệnh nhân nằm ICU dùng tigecycline trên 4 ngày cho thấy 33,8% bệnh nhân gặp phải các biến cố nhiễm độc gan (độc tính trên gan được phân loại theo hệ thống CTCAE 5.0 của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ). Phân tích đa biến cho thấy nồng độ albumin ban đầu < 25 g/L và thời gian điều trị tương quan đáng kể với độc tính trên gan do tigecycline. Thời gian trung vị khởi phát độc gan là 8 ngày. Thời gian trung vị nằm tại ICU và tỉ lệ tử vong không khác biệt giữa nhóm độc gan và nhóm không độc gan (33,4 ngày so với 31,0 ngày, P=0.850; 38,0% so với 43,8%, P=0,504).

Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả khuyến cáo theo dõi chặt chẽ chức năng gan đối với bệnh nhân có nồng độ albumin ban đầu < 25 g/L và điều trị bằng tigecycline hơn 8 ngày để đánh giá lợi ích/nguy cơ khi muốn tiếp tục điều trị bằng tigecycline

Tài liệu tham khảo

1.Tingting Jiang MM, Xuhui Huang BS, Qinghua Liu MD et al. (2022). Risk Factors for Tigecycline-Associated Hepatotoxicity in Patients in the Intensive Care Units of Two Tertiary Hospitals: A Retrospective Study. The Journal of Clinical Pharmacology. doi: 10.1002/jcph.2099.

2.Bethesda (2012). Tigecycline. LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK547888/