BẢN TIN THÔNG TIN THUỐC GENTAMICIN 80mg/2ml

Aminoglycosid là một nhóm kháng sinh phổ rộng với đa số hoạt chất thuộc nhóm Tiếp Cận (Access) và nhóm Theo Dõi (Watch) theo phân loại kháng sinh AWaRe của WHO năm 2021[1], thực tế đã mang lại những hiệu quả trên lâm sàng nhưng vẫn tồn tại nhiều tác dụng không mong muốn. Trong đó, gentamicin là một kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid vừa được tiếp nhận vào tháng 04/2023 tại Khoa Dược với biệt dược Gentamicin 80mg/2ml bên cạnh chế phẩm Vinphacine (amikacin) đã lưu hành trong thời gian qua tại Bệnh viện.

Nguồn gốc, cơ chế:

Gentamicin có nguồn gốc từ các loài xạ khuẩn Micromonospora. là một kháng sinh diệt khuẩn bằng cách ức chế giai đoạn đầu quá trình tổng hợp protein của vi khuẩn.[1-4]

Phổ tác dụng:

Gentamicin có hoạt tính diệt khuẩn mạnh đối với chủng vi khuẩn Gram âm hiếu khí (Bảng 1), có thể hiệp đồng trên khả năng diệt khuẩn Gram dương. Không nên dùng đơn trị dù kết quả kháng sinh đồ cho kết quả nhạy với gentamicin. Gentamicin chỉ nên phối hợp với các kháng sinh khác trong các phác đồ dành riêng cho những trường hợp nhiễm trùng nặng do vi khuẩn Gram âm trong bệnh viện, liên quan thở máy nhằm tránh sự đề kháng aminoglycosid của vi khuẩn.[5-8]

Đặc tính PK/PD: gentamicin là kháng sinh phụ thuộc nồng độ, hiệu quả diệt khuẩn được đánh giá dựa trên chỉ số AUC0-24h/MIC ≥ 110 hoặc Cpeak/MIC ≥ 8-10. Ngoài ra, gentamicin có thêm hiệu ứng hậu kháng sinh kéo dài, vì thế chế độ dùng thuốc liều cao, kéo dài khoảng cách liều sẽ có lợi ích trên lâm sàng thay vì chế độ liều truyền thống, dùng nhiều lần trong ngày.[9]

Ngoài ra, gentamicin bị đề kháng tự nhiên bởi một số vi khuẩn Gram âm hiếu khí không lên men lactose ít điển hình, thường gặp ở những người bệnh suy giảm miễn dịch, thuộc khoa ICU, có tình trạng xơ nang trong phổi, bao gồm: Stenotrophomonas maltophilia, Burkholderia cepacia, Achromobacter xylosoxidans.[10]

Chỉ định – liều dùng:

Gentamicin được chỉ định điều trị các bệnh nhiễm trùng nặng do vi khuẩn nhạy cảm tại đường hô hấp, tiết niệu, ổ bụng, thần kinh trung ương.[8,11-13] Các chế độ liều gentamicin được trình bày trong Bảng 2 và Bảng 3.

* Người bệnh suy gan không cần chỉnh liều (vì thuốc không chuyển hóa qua gan).

* Người bệnh thiếu cân hoặc cân nặng bình thường: chỉnh liều theo cân nặng thực tế; người bệnh thừa cân – béo phì: chỉnh liều theo cân nặng hiệu chỉnh.

*CVVHDF: thẩm tách-siêu lọc máu tĩnh mạch-tĩnh mạch liên tục; CVVHD: thẩm tách máu tĩnh mạch-tĩnh mạch liên tục; CVVH: siêu lọc máu tĩnh mạch-tĩnh mạch liên tục

*CRRT: điều trị thay thế thận liên tục

Khuyến cáo chỉnh liều: Ctrough < 1 mg/L (liều kéo dài) hoặc 2 mg/L (liều truyền thống).

Cpeak < 4 mg/L cân nhắc tăng liều; Cpeak > 10 mg/L tăng độc tính, cần giảm liều.[13]

Chống chỉ định: Mẫn cảm với kháng sinh nhóm aminoglycosid hay bất kỳ thành phần nào trong chế phẩm sử dụng. Người bệnh nhược cơ.[8,12,13]

Cảnh báo có hại:

Rối loạn thính giác, tiêu hóa (nôn), hội chứng giống Fanconi ở người bệnh điều trị liều cao kéo dài (rất hiếm gặp), độc tính trên thận (thường có thể hồi phục), ức chế thần kinh cơ, giảm nồng độ Ca và Mg.[8,12,13]

Thành phần chế phẩm bệnh viện hiện sử dụng chứa methylparaben, propylparaben có thể gây phản ứng dị ứng đặc hiệu và co thắt phế quản.[8]

Xử trí quá liều:

Thẩm tách máu được ưu tiên sử dụng để loại thuốc khỏi người bệnh. Thuốc kháng cholinesterase, muối calci (IV) có thể được dùng để điều trị độc tính thần kinh cơ.[8,13]

Tương tác thuốc:

Cần tránh dùng đồng thời các thuốc độc thính giác (acid ethacrynic, furosemid), độc thận (vancomycin), ức chế thần kinh cơ (rocuronium).[8,12,13]

Tương kỵ:

Không nên trộn lẫn gentamicin với thuốc khác, đặc biệt: kháng sinh β-lactam, erythromycin, diazepam, furosemid, flecainid acetat, heparin natri, amphotericin B, nitrofurantoin natri, sulfadiazin natri, tetracyclin, dung dịch chứa bicarbonat.[8,12,13]

Kết luận: Hiện tại, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đang có hai hoạt chất thuộc nhóm aminoglycosid là amikacin và gentamicin như thông tin trên bài. Theo cơ chế dược lý, amikacin tuy ít bị đề kháng hơn gentamicin[16], tuy nhiên nghiên cứu tổng quan gần đây ở các bệnh viện tại Việt Nam đã thể hiện tỉ lệ đề kháng của các chủng vi khuẩn Gram âm thường gặp trong viêm phổi tương đương đối với hai thuốc[17]. Bên cạnh đó, các thuốc đều được quỹ Bảo hiểm thanh toán theo đúng các chỉ định hiện hành[18]. Vì vậy, dựa trên việc đánh giá lâm sàng theo các khuyến cáo điều trị và kết quả kháng sinh đồ, các bác sĩ có thể linh hoạt sử dụng một trong hai thuốc tùy vào tình hình hiện có tại bệnh viện, chú ý cân nhắc các vấn đề về chi phí, liều dùng, tính hiệu quả và độ an toàn trên người bệnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] WHO, “2021 ‎AWaRe classification‎”, Truy cập ngày 06/04/2023, https://www.who.int/publications/i/item/2021-aware-classification

[2] Yuan Zhang et al, “The prevalence and distribution of aminoglycosid resistance genes”, Biosafety and Health (2023): 14-20

[3] Laurence Brunton, Bjorn Knollmann, (2022), “Goodman and Gilman’s The Pharmacological Basis of Therapeutics, 14th Edition”, Nhà xuất bản: McGraw Hill/ Medical

[4] Dược thư quốc gia Việt Nam (2018), Gentamicin

[5] James E. Leggett, (2015), “Mandell, Douglas, and Bennett’s Principles and Practice of Infectious Diseases (Eighth Edition)”, Nhà xuất bản: Elsevier, Inc

[6] Infectious Diseases Society of America, “Management of Adults With Hospital-acquired and Ventilator-associated Pneumonia: 2016 Clinical Practice Guidelines by the Infectious Diseases Society of America and the American Thoracic Society. Clinical Infectious Diseases”, Volume 63, Issue 5 (2016), pp: e61–e111

[7] Infectious Diseases Society of America, “Antimicrobial-Resistant Treatment Guidance: Gram-Negative Bacterial Infections. Infectious Diseases Society of America 2022; Version 1.1”, Truy cập ngày 07/04/2023, https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/

[8] Tờ hướng dẫn sử dụng, “Gentamicin 80mg/2mL”, Công ty Cổ phần Dược phẩm T.Ư Vidipha, Cập nhật ngày 14/8/2017.

[9] Abdul-Aziz MH et al, “Antimicrobial therapeutic drug monitoring in critically ill adult patients: a Position Paper”, Intensive Care Med. (2020), 46(6):1127-1153

[10] Iain J. Abbott, MBBS et al, “Stenotrophomonas, Achromobacter, and Nonmelioid Burkholderia Species: Antimicrobial Resistance and Therapeutic Strategies”, Semin Respir Crit Care Med, (2015), 36:99–110

[11] Quyết định 708/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y Tế ngày 02/03/2015 về việc ban hành Tài liệu chuyên môn Hướng dẫn sử dụng kháng sinh

[12] UpToDate, Gentamicin (systemic): Drug information, Truy cập ngày 07/04/2023, https://www.uptodate.com/contents/gentamicin-systemic-drug-information

[13] eMC, Drug information: Cidomycin 80mg/2mL Solution for Injection, Truy cập ngày 07/04/2023, https://www.medicines.org.uk/emc/product/1264/smpc

[14] PediaMCU, “Gentamicin”, Truy cập ngày 11/04/2023, https://pediamcu.com/1108/

[15] Micromedex, “Gentamicin sulfate: Dosing/Administration”, Truy cập ngày 11/04/2023, https://www.micromedexsolutions.com/micromedex2/Librarian/CS/B2B93F/ND_PR/evidencexpert/ND_P/evidencexpert/DUPLICATIONSHIELDSYNC/F5AB39/ND_PG/evidencexpert/ND_B/evidencexpert/ND_AppProduct/evidencexpert/ND_T/evidencexpert/PFActionId/evidencexpert.DoIntegratedSearch?SearchTerm=gentamicin&UserSearchTerm=gentamicin&SearchFilter=filterNone&navitem=searchALL#

[16] Craig R. Smith et al, “Controlled Comparison of Amikacin and Gentamicin”, N Engl J Med, (1977), 296:349-353

[17] Đặng Thị Soa và cộng sự, Tổng quan về tình hình kháng kháng sinh curamoojt số vi khuẩn thường gây bệnh trên lâm sàng tại Việt Nam từ 2017-2022, Tạp chí Y Học Việt Nam 2022, Tập 519-Tháng 10-Số 1, 309-313

[18] Thông tư 20/2022/TT-BYT của Bộ Y Tế ngày 31/12/2022 ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với các thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế