- 15/02/2024
TIÊU CHUẨN LÂM SÀNG VỀ QUẢN LÝ BIẾN CỐ BẤT LỢI TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ LAO (TIẾP THEO).
Trong bài viết trước, “Tiêu chuẩn 2” trong các tiêu chuẩn lâm sàng về quản lý biến cố bất lợi trong quá trình điều trị lao được đăng trên Tạp chí lao và bệnh phổi quốc tế đã được mô tả chi tiết, “mỗi người bệnh trước khi bắt đầu điều trị lao cần phải đánh giá các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng xảy ra biến cố bất lợi (Adverse Event – AE).” Bên cạnh đó, khi AE xảy ra trong quá trình điều trị lao, nhân viên y tế cũng cần phải đánh giá cẩn thận và xem xét phản ứng đó có phải là phản ứng dị ứng, quá mẩn hay không. Vấn đề này được trình bày trong “Tiêu chuẩn 3” và sẽ được mô tả chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tiêu chuẩn 3
Mỗi người bệnh bắt đầu điều trị bệnh lao, khi gặp AE, cần được đánh giá cẩn thận và xem xét phản ứng đó có phải là phản ứng dị ứng hay quá mẫn.
Cần có một cách tiếp cận có hệ thống để đánh giá những AE có thể xảy ra. Những công cụ như thang điểm Naranjo có thể được sử dụng đánh đánh giá mối quan hệ nhân quả giữa AE và thuốc. Thang điểm này bao gồm thời điểm khởi phát, diễn tiến AE liên quan đến việc dùng thuốc, sự hiện diện của nguyên nhân khác, bao gồm thuốc dùng kèm, và liệu có thể xác nhận khách quan về AE hay không (đánh giá lâm sàng hoặc cận lâm sàng). Điều quan trọng là phải xác định xem liệu AE có dẫn đến thay đổi hoặc gián đoạn điều trị hay không và nếu có, khoảng thời gian thay đổi hay gián đoạn đó là bao lâu và triệu chứng của AE có thay đổi sau khi ngừng hoặc thay đổi điều trị không. Bảng 3 trình bày đặc điểm của các AE trong quá trình điều trị lao.
AE thường xuất hiện ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc; tuy nhiên, cũng có thể có khoảng trễ trước khi xuất hiện triệu chứng (bao gồm dị ứng). Hơn 80% AE được phân loại là phản ứng loại A. Phản ứng loại A thì có thể dự đoán được từ đặc tính dược lý của thuốc và thường liên quan đến liều. Phản ứng loại A có thể được quản lý bằng cách kiểm soát triệu chứng hoặc thay đổi tần suất hay liều điều trị (Bảng 4). Phản ứng loại B thì không dự đoán được và thậm chí có thể xuất hiện khi dùng thuốc dưới liều điều trị. Phản ứng loại B bao gồm phản ứng quá mẫn. Những phản ứng dị ứng là những phản ứng quá mẫn mà cơ chế miễn dịch đã được chứng minh.
Kết luận
Khi AE xảy ra trong quá trình điều trị, nhân viên y tế cần phải đánh giá cẩn thận những đặc điểm của AE; từ đó xác định mối quan hệ nhân quả thông qua một số công cụ như thang điểm Naranjo và những đặc điểm được trình bày trong bảng 3. Các AE cần phải được báo cáo ADR và được xử trí theo các hướng dẫn hiện hành.
Singh KP, Carvalho ACC, Centis R, et al. Clinical standards for the management of adverse effects during treatment for TB. Int J Tuberc Lung Dis. 2023;27(7):506-519. doi:10.5588/ijtld.23.0078